Chẩn đoán Tiểu_đường

Một số xét nghiệm cần thiết phục vụ cho việc chẩn đoán bệnh:

Xét nghiệm máu

Đo nồng độ đường trong máu lúc đói, sau khi ăn và sự dung nạp chất này.

Đo nồng độ glucose trong máu lúc đói

Xác định tiểu đường trong 2 lần xét nghiệm đều cho kết quả là nồng độ glucose trong máu lúc đói cao hơn 126 mg/dl. Khi kết quả xét nghiệm có nồng độ từ 110 và 126 mg/dl thì coi là tiền tiểu đường, báo hiệu nguy cơ bị tiểu đường type 2 với các biến chứng của bệnh.

Đo nồng độ glucose sau khi đã ăn

Nếu kết quả đo nồng độ glucose sau khi đă ăn cao hơn 200 mg/dl kèm các triệu chứng của bệnh (khát nhiều, đái nhiều và mỏi mệt) thì nghi ngờ bị bệnh tiểu đường.

Đánh giá sự dung nạp sau khi uống glucose

Đôi khi các bác sĩ muốn chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường hơn nữa bằng cách cho uống đường glucose làm bộc lộ những trường hợp ĐTĐ nhẹ mà thử máu theo cách thông thường không đủ tin cậy để chẩn đoán. Cách đó gọi là "test dung nạp glucose bằng đường uống". Xét nghiệm nồng độ glucose sau khi uống 2 giờ. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ này vẫn cao hơn 200 mg/dl thì chẩn đoán là bị bệnh tiểu đường type 2.

Tóm tắt

Rối loạn hạ đường huyết

Nếu kết quả đo mức đường máu lúc đói < 70 mg/dl là có rối loạn hạ đường huyết, như kết quả đo 53 mg/dl là có thể bị hôn mê do hạ đường huyết.

Tiền đái tháo đường

Người có mức đường máu lúc đói từ >110 mg/dl được gọi là những người có "rối loạn dung nạp đường khi đói". Những người này tuy chưa được xếp vào nhóm bệnh nhân đái tháo đường, nhưng cũng không được coi là "bình thường" vì theo thời gian, rất nhiều người người "rối loạn dung nạp đường khi đói" sẽ tiến triển thành đái tháo đường thực sự nếu không có lối sống tốt. Mặt khác, người ta cũng ghi nhận rằng những người có "rối loạn dung nạp đường khi đói" bị gia tăng khả năng mắc các bệnh về tim mạch, đột quỵ hơn.

Đái tháo đường

  • Đường máu lúc đói ≥ 126 mg/dl (≥ 7 mmol/l) thử ít nhất 2 lần liên tiếp.
  • Đường máu sau ăn hoặc bất kỳ ≥ 200 mg/dl (≥ 11,1 mmol/l).

Định lượng HbA1C

Ngoài các xét nghiệm này, HbA1C cũng là một xét nghiệm giúp việc chẩn đoán xác định bệnh tiểu đường mang lại kết quả chính xác. Glucose trong máu có thể gắn kết với hemoglobin (phần mang oxy) của hồng cầu để tạo nên một phức hợp gọi là HbA1C (Hemoglobin glycosylat). Một khi glucose gắn kết với hemoglobin, nó sẽ ở đó và tồn tại đến hết đời sống của hồng cầu kéo dài khoảng 3 tháng. Như vậy nếu nồng độ glucose trong máu càng cao thì lượng glucose gắn vào hemoglobin của hồng cầu càng nhiều, và như vậy nồng độ HbA1C cũng sẽ gia tăng. Định lượng HbA1C đánh giá hồi cứu tình trạng đường máu 2 - 3 tháng gần đây. Đường máu cân bằng tốt nếu HbA1C < 6,5%.[6]

Các xét nghiệm bổ sung

Sau khi được chẩn đoán xác định và làm những xét nghiệm theo dõi thường kỳ (1 - 2 lần/năm) để thăm dò các biến chứng mạn tính và để theo dõi điều trị:

Khám lâm sàng: lưu ý kiểm tra cân nặng, huyết áp, bắt mạch ngoại biên và so sánh nhiệt độ da, khám bàn chân, khám thần kinh bao gồm thăm dò cảm giác sâu bằng âm thoa. Khám mắt: phát hiện và đánh giá tiến triển bệnh lý võng mạc.

Xét nghiệm: đặc biệt lưu ý creatinin, mỡ máu, microalbumin niệu (bình thường < 30 mg/ngày) hoặc định lượng protein niệu. Đo điện tim nhằm phát hiện sớm các biểu hiện thiếu máu cơ tim. Soi đáy mắt..

Trong một số tình huống (không phải là xét nghiệm thường qui):

Fructosamin: cho biết đường máu trung bình 2 tuần gần đây, có nhiều lợi ích trong trường hợp người mắc đái tháo đường đang mang thai. Nếu đường máu cân bằng tốt, kết quả < 285 mmol/l.

Peptid C (một phần của pro-insulin): cho phép đánh giá chức năng tế bào beta tụy.

Thử đường trong nước tiểu cũng là một phương pháp được tiến hành tuy nhiên kết quả của phương pháp này không được đánh giá cao bằng những cách thức còn lại.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tiểu_đường http://www.emedicine.com/emerg/topic134.htm http://www.emedicine.com/med/topic546.htm http://www.icd9data.com/getICD9Code.ashx?icd9=250 http://jama.jamanetwork.com/article.aspx?articleid... http://www.medicalnewstoday.com/medicalnews.php?ne... http://www.deutsche-diabetes-gesellschaft.de/press... http://ndep.nih.gov/ //www.nlm.nih.gov/cgi/mesh/2020/MB_cgi?mode=&term=... http://patient.info/doctor/management-of-type-1-di... http://apps.who.int/classifications/icd10/browse/2...